Theo đó, chính phủ Mỹ sẽ không được sử dụng dịch vụ hoặc hàng hóa của các doanh nghiệp tư nhân sở tại nếu các doanh nghiệp này sử dụng thiết bị từ 5 công ty Trung Quốc, Reuters dẫn lời một quan chức từ chính quyền ông Trump.
5 cái tên này bao gồm Huawei Techonologies, công ty lĩnh vực viễn thông ZTE, nhà sản xuất máy ảnh Hangzhou Hikvision Digital Technology, công ty lĩnh vực thiết bị an ninh giám sát Zhejiang Dahua Technology và hãng sản xuất thiết bị vô tuyến Hytera Communications.
Trước áp lực từ chính phủ Mỹ, Huawei đã bị nhiều quốc gia trên thế giới quay lưng. Ảnh: Reuters. |
Tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen giao dịch công nghệ, cắt đường sử dụng dịch vụ Google trên smartphone Huawei. Một năm sau, Mỹ lại hạn chế các công ty bán dẫn sử dụng công nghệ Mỹ bán hàng cho Huawei.
Theo Nikkei Asian Review, kể từ vòng trừng phạt đầu tiên ban hành năm 2019 bởi chính phủ Mỹ, theo đó cấm các cơ quan chính phủ mua hoặc gia hạn hợp đồng với 5 công ty Trung Quốc dựa trên đạo luật quốc phòng ký năm 2018, cả 5 công ty công nghệ này vẫn tiếp tục đưa ra các báo cáo kinh doanh tương đối khả quan.
Phía Hikvision cho biết lệnh trừng phạt ban đầu của chính quyền ông Trump không thực sự có tác dụng vì bản thân công ty không có hoạt động kinh doanh trực tiếp với chính phủ nước này.
Tuy nhiên, đòn giáng mới nhất mà chính phủ Mỹ dành cho các công ty công nghệ Trung Quốc được dự đoán sẽ đẩy mức độ căng thẳng của “chiến tranh công nghệ” lên một cấp độ mới. Giới chức Washington đồng thời cũng cân nhắc khả năng kéo dài thêm lệnh cấm xuất khẩu công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc.
Theo thống kê của công ty an ninh Mỹ Forescout Technologies, khoảng 67.000 thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất đang được nhiều doanh nghiệp tư nhân tại Mỹ sử dụng chỉ tính riêng trong tháng 7/2020, trong đó lĩnh vực sản xuất và chăm sóc sức khỏe có đến 30.000 thiết bị.
Ngoài ra, Forescout còn tìm thấy 64.000 camera giám sát Hikvision, 3.000 thiết bị của Dahua và 4.000 thiết bị do ZTE sản xuất được sử dụng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả những tổ chức giáo dục và tài chính.
Giờ đây, những công ty tham gia đấu thầu hợp đồng liên bang sẽ phải tuyên bố bằng văn bản rằng họ không sử dụng các sản phẩm cung cấp bởi những công ty nằm trong danh mục cấm. Quy định này được cho là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 800 công ty của Nhật Bản đang hợp tác với chính phủ Mỹ như NTT Data hay Sharrp.
“Các quy tắc có thể sẽ chỉ áp dụng với những công ty có trụ sở tại Mỹ, sẽ không có vấn đề gì nếu họ có trụ sở bên ngoài quốc gia này”, một nguồn tin từ Huawei cho biết.
Thiếu Huawei, nhiều doanh nghiệp sẽ phải lên kế hoạch phát triển nội bộ hoặc bắt tay với các đối tác ngoài Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Khi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ Mỹ đối với Huawei hết hạn, chính quyền ông Trump sẽ xem xét và đưa ra quyết định có nên thắt chặt thêm lệnh trừng phạt hay nữa không. Bộ Thương mại Mỹ cũng đã nhiều lần gia hạn lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc, rất có thể đây sẽ là lần gia hạn cuối cùng và lệnh trừng phạt cũ sẽ sớm được kết thúc trong tháng 8/2020.
Bộ Thương mại cũng đã cho phép các công ty Mỹ tiếp tục kinh doanh với Huawei nhằm duy trì dịch vụ Internet hoặc điện thoại, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ dần thay thế những thiết bị của những nhà cung cấp trong danh sách đen. Theo ước tính của một công ty tư nhân, khoảng 25% công ty viễn thông khu vực nông thôn vẫn đang sử dụng các thiết bị của Huawei hoặc ZTE.
“Các doanh nghiệp nên tính tới phương án phát triển nội bộ hoặc hợp tác với các công ty phương Tây”, Kojiro Fujii, cộng sự của công ty luật Nishimura & Asahi chia sẻ.
Một lệnh cấm mới được chính quyền ông Trump ban hành sẽ là dấu hỏi lớn cho tương lai của hệ điều hành Android cũng như các ứng dụng của Google đối với những sản phẩm smartphone Huawei. Tháng 2/2020, gã khổng lồ Google cho biết sẽ vẫn tiếp tục hợp tác với nhà sản xuất điện thoại thông minh Huawei để cung cấp các bản cập nhật hệ điều hành Android trên những thiết bị đã được bán trước lệnh cấm vào tháng 5/2019 và “sẽ tiếp tục làm như vậy nếu được phép”.