Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên lãi suất siêu thấp thay vì gia nhập “cuộc đua” tăng lãi suất để chống lạm phát trên toàn cầu...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Nhật Bản ngày 21/9 tiến hành can thiệp vào thị trường ngoại hối, mua vào đồng Yên lần đầu tiên kể từ năm 1998, trong nỗ lực “cứu” tỷ giá động nội tệ đang tuột dốc không phanh. Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên lãi suất siêu thấp thay vì gia nhập “cuộc đua” tăng lãi suất để chống lạm phát trên toàn cầu.
Theo tin từ Reuters, hành động can thiệp trên đưa tỷ giá đồng USD so với Yên Nhật tụt hơn 2%, về mức 140,3 Yên đổi 1 USD, sau khi tăng hơn 1% sau quyết định của BOJ giữ nguyên lập trường chính sách siêu lỏng lẻo.
“Chúng tôi đã có hành động quyết đoán” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda nói với các nhà báo. Ông đưa ra câu trả lời khẳng định sau khi được hỏi liệu việc đó có đồng nghĩa với can thiệp vào thị trường ngoại hối.
"Sự can thiệp tiền tệ hiếm khi thành công và tôi cho rằng động thái ngày hôm nay sẽ chỉ mang lại một sự giải toả tạm thời đối với đồng Yên”.
Trưởng kinh tế vĩ mô của công ty Equiti Capital, ông Stuart Cole
Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra hoài nghi về việc liệu động thái này có thể kìm giữ xu hướng trượt giá của đồng Yên được lâu. Năm nay, đồng Yên đã mất giá gần 20% so với USD, rớt xuống mức thấp nhất 23 năm, chủ yếu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quyết liệt đẩy tỷ giá đồng USD tăng mạnh trong khi BOJ kiên trì lập trường nới lỏng.
“Thị trường đã kỳ vọng nhà chức trách Nhật Bản có hành động can thiệp ở một thời điểm nào đó, xét tới việc các quan chức đã gia tăng những phát biểu mang tính cảnh báo về sự mất giá của đồng Yên trong mấy tuần trở lại đây”, trưởng kinh tế vĩ mô của công ty Equiti Capital, ông Stuart Cole, nhận định. “Tuy nhiên, sự can thiệp tiền tệ hiếm khi thành công và tôi cho rằng động thái ngày hôm nay sẽ chỉ mang lại một sự giải toả tạm thời đối với đồng Yên”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki từ chối tiết lộ nhà chức trách đã chi bao nhiêu đề mua vào đồng Yên và liệu các quốc gia khác có đồng tình với hành động này của Tokyo hay không.
Xuất hiện cùng với ông Suzuki tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Kanda nói rằng Nhật Bản có “sự liên lạc tốt” với Mỹ, nhưng không nói rõ liệu Washington có nhất trí với sự can thiệp của Nhật Bản vào thị trường ngoại hối.
Như một thể thức, việc can thiệp vào thị trường ngoại hối đòi hỏi sự nhất trí không chính thức từ các đối tác của Nhật Bản trong nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7), đặc biệt là Mỹ, nếu việc can thiệp đó nhằm vào cặp tỷ giá USD/Yên.
Sự xác nhận của Tokyo về động thái can thiệp thị trường ngoại hối được đưa ra chỉ vài giờ sau khi BOJ công bố quyết định giữ lãi suất ở mức gần 0 để hỗ trợ sự phục hồi còn mong manh của nền kinh tế - một lập trường mà nhiều nhà phân tích cho rằng đang ngày càng trở nên thiếu bền vững xét tới xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda nói với các nhà báo rằng cơ quan này có thể trì hoãn. trong nhiều năm việc tăng lãi suất hoặc thay đổi lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng. “Hoàn toàn không có bất kỳ sự thay đổi nào trong lập trường của chúng tôi về duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi sẽ tiếp tục không tăng lãi suất trong một thời gian nữa”, ông Kuroda nói sau cuộc họp của BOJ.
Quyết định của BOJ được đưa ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm thứ 3 liên tiếp vào ngày 21/9 và phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới. Động thái của Fed cho thấy quyết tâm không bỏ cuộc trong cuộc chiến chống lạm phát, đồng thời tiếp tục huých đồng USD tăng giá.
Nhật Bản đang là nền kinh tế lớn duy nhất giữ lãi suất âm, sau khi Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) ngày 22/9 nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, chính thức chấm dứt quãng thời gian nhiều năm giữ lãi suất âm với mục đích kiềm chế sự tăng giá của đồng nội tệ.
“Chừng nào Fed còn cứng rắn và còn đi trước trong việc tăng lãi suất, bất kỳ động thái can thiệp nào cũng chỉ có thể làm chậm lại chứ không thể cắt đà mất giá của Yên”.
Chiến lược gia Gen Laidler của Etoro
Do BOJ đã loại trừ khả năng sớm tăng lãi suất, can thiệp vào thị trường ngoại hối là biện pháp mạnh nhất và cũng là biện pháp cuối cùng mà Nhật Bản có được để chặn đà lao dốc của tỷ giá đồng nội tệ - nhân tố đẩy giá hàng hoá nhập khẩu tăng cao và đe doạ tiêu dùng.
“Đợt can thiệp thị trường ngoại hối cách đây gần 1/4 thế kỷ của Nhật Bản là lớn, nhưng rốt cục đã thất bại trong việc bảo vệ tỷ giá đồng Yên”, chiến lược gia Gen Laidler của Etoro nhận định. “Chừng nào Fed còn cứng rắn và còn đi trước trong việc tăng lãi suất, bất kỳ động thái can thiệp nào cũng chỉ có thể làm chậm lại chứ không thể cắt đà mất giá của Yên”.
Việc nhà chức trách Nhật Bản mua vào đồng Yên là rất hiếm. Lần gần đây nhất Tokyo can thiệp để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ là vào năm 1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khiến đồng Yên bị bán tháo và các dòng vốn tháo chạy khỏi khu vực. Trước đó, Nhật Bản can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng Yên vào năm 1991-1992.
Ngoài ra, việc can thiệp thị trường bằng cách mua Yên được cho là dễ hơn can thiệp bằng cách bán Yên. Khi bán ra đồng Yên, Nhật Bản có thể in tiền để bán ra thị trường. Nhưng khi mua vào đồng Yên, Nhật Bản cần rút ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối 1,33 nghìn tỷ USD của nước này. Đây là một mức dự trữ khổng lồ, nhưng có thể giảm nhanh nếu việc bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ đòi hỏi việc bán ra lượng ngoại tệ lớn.