Các trường học ở xứ sở hoa anh đào từ lâu đã nổi tiếng với những quy định nghiêm ngặt về trang phục, màu nội y, đầu tóc và ngoại hình của học sinh.

Tờ Mainichi Shimbun hôm 14/6 đưa tin một giáo viên đã giật tóc học sinh nữ 16 tuổi vì phát hiện tóc của cô gái không phải màu đen theo quy định của trường ở thành phố Kobe.



Nữ sinh này chia sẻ với tờ báo rằng mái tóc hơi ngả sang nâu sẫm do hóa chất tại hồ bơi nơi cô thường xuyên đến. Sau cú sốc đó, cô bị mắc chứng rối loạn lo âu và phải nghỉ học 2 tuần.

Cùng ngày, một nam sinh 20 tuổi ở miền Nam Nhật Bản đã kháng cáo việc tòa án từ chối yêu cầu chính quyền tỉnh Kumamoto bồi thường 1 yen vì trải nghiệm tồi tệ tại trường trung học Seiseiko.

Theo đơn kiện, thanh niên này đã bị buộc phải cạo đầu vì truyền thống của câu lạc bộ thể thao mà anh tham gia vào năm 2017.

Tuy nhiên, Thẩm phán chủ tọa Yuichiro Nakatsuji tại Tòa án quận Kumamoto nói rằng việc cạo đầu là một sự sắp xếp tự quản được thực hiện giữa các thành viên câu lạc bộ và không thể coi là không phù hợp dựa trên những chuẩn mực xã hội.

Các học sinh tại Nhật phải tuân theo nhiều nguyên tắc khắt khe. Ảnh: VICE.

Các trường học ở đất nước mặt trời mọc từ lâu đã nổi tiếng với những quy định nghiêm ngặt về trang phục, màu nội y, đầu tóc và ngoại hình của học sinh, theo DW.

Nhiều nhà giáo dục cho rằng cột tóc đuôi ngựa khiến nữ sinh để lộ phần cổ, có thể gây kích thích các nam sinh.


Quy định hà khắc

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều ý kiến kêu gọi nới lỏng hoặc bỏ hoàn toàn những điều luật khắt khe này.

“Phần lớn sinh viên năm nhất trong trường tôi đã nhuộm tóc. Tôi nghĩ đó là một hành động phản kháng có ý thức sau một thời gian tuân theo các quy tắc gò bó trong suốt quá trình học tập”, Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông và báo chí tại Đại học Hokkaido Bunkyo ở Sapporo, nói với DW.

Theo ông Watanabe, các trường học vẫn còn quá bảo thủ và đang bám vào những giá trị cũ trong một xã hội đã hoàn toàn thay đổi.

“Thật điên rồ khi họ vẫn khăng khăng mọi người đều để tóc đen thẳng trong khi chính phủ tăng cường toàn cầu hóa và nhiều người nước ngoài hiện sống ở Nhật Bản”.

Nhiều phụ huynh phản đối những quy định lỗi thời của trường học. Ảnh: Japan Times.


Hiện chưa có số liệu thống kê bao nhiêu trường học tại quốc gia này áp dụng lệnh cấm buộc tóc đuôi ngựa.

Thế nhưng, trước phản ứng của dư luận và phụ huynh, một số nguyên tắc lỗi thời, mâu thuẫn đang dần biến mất. Chính phủ Nhật Bản cũng phải yêu cầu tất cả hội đồng giáo dục trực thuộc sửa đổi quy định.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại tư tưởng cũ đã “ăn sâu bám rễ” và có thể mất nhiều thời gian để loại bỏ.


Khó thay đổi

Giáo sư Watanabe nhận định các trường học của xứ sở hoa anh đào gần như là một xã hội khép kín, rất ít liên quan đến bên ngoài và khuynh hướng bảo thủ tự nhiên khiến họ không thể cởi mở hoặc chấp nhận rằng thế giới đang thay đổi.

Emi Izawa, sinh viên năm nhất tại một trường đại học ở Tokyo, đã nhuộm tóc dài thành màu xám bạc, xu hướng của nhiều bạn trẻ Nhật Bản hiện nay.

“Vào thời điểm đó, chúng tôi không nghĩ các quy định đó là gò bó vì mọi người đều làm vậy. Trường tôi toàn nữ sinh và không được phép đeo hoa tai, mang bất kỳ loại trang sức hay đồ trang điểm nào. Cũng chẳng có ai thắc mắc về điều này”, cô nói thêm.

Một số trường học đã nới lỏng quy tắc về tóc tai, trang phục nhưng khó loại bỏ hoàn toàn. Ảnh: Nippon.

Izawa cho biết giờ đây cô cảm thấy vui vì được tự do lựa chọn trang phục phù hợp với cá tính thay vì trông giống những người khác.

Các công đoàn cũng chỉ trích việc áp dụng quy tắc quá hà khắc về quần áo và kiểu tóc trong trường học.

Bà Tamaki Terazawa, phát ngôn viên của Liên đoàn Giáo viên quốc gia, cho hay hệ thống giáo dục của Nhật Bản bắt đầu từ thời Minh Trị và sao chép một cách hiệu quả hệ thống quân sự, với sự đồng nhất về quần áo, cặp sách mà trẻ em mang đến trường cũng như kiểu dáng, màu tóc của chúng.

“Thời đó, chính phủ nói rằng sự đồng nhất trong xã hội là cần thiết cho sự phát triển của quốc gia, nhưng đó là cách đây hơn 100 năm, Nhật Bản hiện tại đã rất khác. Đã đến lúc các quy định nên thay đổi và trẻ em được phép là chính mình”, bà Terazawa bày tỏ.