Lại một cái Tết nữa sắp đến, khuôn mặt má giờ đã hằn in dấu vết thời gian, nhưng thỉnh thoảng, mỗi khi có dịp đi ra chợ đầu mối, má vẫn không quên đảo mắt nhìn quanh như kiếm tìm mớ củ cải trắng phau chất đầy ở các vựa.
Như bao gia đình miền Nam khác, mâm cơm ngày Tết nhà tôi luôn thường trực các món quen thuộc: canh khổ qua, thịt kho hột vịt, gà luộc, bánh tét...
Nhưng tôi cứ nhớ hoài món củ cải ngâm nước mắm của má, một món ăn giản dị có thể ăn cùng với bánh tét cho đỡ ngán, dùng để cuốn bánh tráng, kho với thịt ba chỉ hoặc gắp vài đũa đem chiên ăn với chén cơm nguội thôi cũng đã rất ngon rồi.
Chỉ nghĩ vậy, trong đầu tôi đã có thể tưởng tượng ra hương vị nhẫn nhẫn của củ cải hòa quyện cùng mùi nước mắm đậm đà, thoáng vị hăng hăng, cay cay của tỏi, ớt như hiện diện quanh đây.
Nhớ khi xưa, khoảng độ 22-23 âm lịch Tết trở đi, má thường chở tôi ra chợ đầu mối gần nhà để mua hai chục ký củ cải, tôi cứ thắc mắc hỏi sao má mua chi nhiều dữ, má chỉ cười hiền rồi nói món này mua ít không làm được, vì củ cải sau phơi xong nó teo còn chút xíu, mà đúng là như vậy thiệt, nhìn củ nào củ nấy bóng bẩy, dài như bắp tay và mọng nước vậy chớ áng chừng chỉ làm ra được năm, sáu hũ bằng hũ chao sành cỡ vừa là nhiều.
Củ cải sau khi mua về phải rửa sạch, bào hết vỏ, chẻ nhỏ, trộn ít muối để qua đêm và đem phơi một ngày nắng vàng rực trên liếp. Khi đã giảm cân đến đủ độ cần thiết, cọng củ cải được tắm mình qua nước sôi, xếp bỏ vô hũ, rồi nằm im hồi hộp chờ đợi khoảnh khắc đắm chìm vào dòng nước mắm tỏi ớt thơm ngon dưới bàn tay của người chế biến.
Để rồi phải hơn bốn ngày sau, từng cọng củ cải thơm lừng màu cánh gián mới có màn chính thức chào sân.
Hóa ra, một món ăn nghe cái tên có vẻ đơn giản vậy chớ để làm ra thành phẩm cũng lắm công phu chứ chẳng vừa.
Nó đòi hỏi người làm phải có con mắt tinh tường chọn củ cải tươi, không bị xơ và xộp, tỉ mỉ chẻ nhỏ và phơi củ cải vừa đủ nắng, nhạy bén của lưỡi nêm nếm nước mắm và kiên nhẫn chờ đợi để món ăn đạt đủ độ chín cần thiết.
Công đoạn chế biến cực là vậy, phần tôi phụ giúp cũng không phải nhỏ, vậy mà năm nào, má cũng nỡ lòng đem đi cho người này người kia gần hết, chỉ giữ lại một hũ nhỏ bày lên mâm cơm dâng cúng ông bà, phần còn lại để ăn cho gọi là có hương vị ngày Tết, khiến tôi chỉ biết thở dài tiếc nuối.
Tết nay đã khác Tết xưa, cuộc sống trở nên đầy đủ, tiện nghi hơn, món củ cải ngâm nước mắm giờ có thể dễ dàng tìm mua trong siêu thị, tôi cũng được dịp ăn củ cải ngâm nước mắm ở nhiều nơi, nhưng không tìm đâu ra được hương vị thân quen của hũ củ cải ngâm nước mắm má làm ngày Tết.
Phải chăng, một món ăn ngày Tết gọi là thành công, gây nên nỗi thương nhớ nhất vẫn là khi nó chứa đựng sự tâm huyết của người làm ra được gửi gắm?
Nghĩ đến đây, tôi mường tượng hình ảnh đôi tay má thoăn thoắt rải những cọng củ cải phơi đều trên liếp, tôi vẫn sẽ phụ giúp má, dù miệng không quên làu bàu câu nói quen thuộc: "Má làm chi cho cực".
Gió xuân nhè nhẹ thổi qua, tiếng cười nói của hai người phụ nữ vang lên rộn rã giữa tiết trời trong trẻo hòa cùng nắng sớm đang lên.