Từ việc bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông tử vong, tỉnh Đồng Tháp đã có chỉ đạo khẩn về an toàn lao động. Theo đó, tỉnh này yêu cầu kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo các nhà thầu thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.



Cụ thể, ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ký ban hành công văn khẩn về việc tăng cường công tác an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn, sau sự việc đáng tiếc của bé trai rơi xuống trụ bê tông tử vong tại huyện Thanh Bình.


Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, vẫn còn một số chủ đầu tư và nhà thầu chưa quan tâm đúng mức, còn sự chủ quan trong công tác quản lý, giám sát an toàn lao động và vệ sinh môi trường khu vực thi công. 


Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá các điều kiện an toàn, ổn định của công trình chưa chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến thiếu an toàn trong thi công.



Từ việc bé Thái Lý Hạo Nam - bé trai rơi xuống trụ bê tông tử vong ở Cầu Rọc Sen, Đồng Tháp chỉ đạo khẩn về an toàn lao động. Ảnh TTXVN.



Để tăng cường công tác an toàn lao động, hạn chế tối đa sự cố gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị là chủ đầu tư công trình xây dựng tập trung thực hiện nghiêm việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật có liên quan từ trong nội bộ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đến tận quần chúng nhân dân để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn lao động. Chủ động tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót tại cơ quan, đơn vị mình.


UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, an toàn lao động trong thi công công trình xây dựng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy trình, công nghệ xây dựng.


Khẩn trương yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tổng rà soát, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy trình từ khâu thiết kế, thi công và giám sát thi công công trình; bảo đảm các điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, hạn chế thấp nhất các yếu tố gây nguy hiểm đến tính mạng, gây hại đến sức khỏe người lao động và nhân dân.


Đối với các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; các Ban Quản lý dự án cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng công tác quản lý, việc thực hiện các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng đối với các công trình đang thi công xây dựng theo thẩm quyền quản lý; yêu cầu các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình lập phương án, biện pháp thi công đảm bảo an toàn cho người và công trình; có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.


Đặc biệt lưu ý phải kiểm tra thông tin về điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Kiên quyết đình chỉ hoạt động của tổ chức, cá nhân vi phạm và báo cáo kịp thời về Sở Xây dựng, Công an tỉnh để tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.





Công văn của UBND tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình xây dựng thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định. Rà soát công tác tổ chức thi công, kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo các nhà thầu (tư vấn giám sát, thiết kế, thi công xây dựng) thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.


Đối với các nhà thầu thi công xây dựng, phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình theo quy định.


Trong đó, tổ chức lập kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trước khi thi công xây dựng công trình; tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với các công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng.


Chỉ đưa các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động vào sử dụng tại công trường sau khi đã được kiểm định đảm bảo an toàn. Dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công…


Trước đó, khoảng 11h30 ngày 31/12, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng các bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi) để nhặt sắt. Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m). Các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành.


Khoảng 30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án để cứu bé trai. Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã huy động hàng trăm người tham gia cứu hộ. Tuy nhiên các phương án giải cứu nạn nhân gặp nhiều trở ngại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác, nhất là trong bối cảnh phải chạy đua với thời gian để hi vọng có "phép màu" với cháu bé. Ngày 4/1, các cơ quan chuyên môn đã có thủ tục xác định nạn nhân tử vong.


Hiện tại, công việc cứu hộ vẫn chưa kết thúc, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực thay đổi các phương án để có thể sớm đưa được trụ bê tông có thi thể bé trai Hạo Nam ở Đồng Tháp bên trong lên khỏi mặt đất.