Chuyên gia cho rằng nhiều "cô đồng", "bà cốt" online đã tìm cách lợi dụng để trục lợi, làm giàu cho bản thân bằng những chiêu thức tinh vi, đánh vào sự hoang mang của người dân.
Chiêu thức tinh vi dẫn dụ người dân "giải hạn"
Liên quan đến vụ việc "cô đồng" vừa bổ cau vừa "xem bói online" gây xôn xao mạng xã hội, trao đổi với PV Dân trí sáng 8/2, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã lý giải nguyên nhân khiến nhiều người dễ bị cuốn vào các trò lừa bịp vô căn cứ trên.
Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, vào thời điểm đầu xuân, ngày Rằm, mùng 1, nhiều người vì mong muốn biết được vận mệnh trong tháng, trong năm của mình nên thường đi xem bói, coi tử vi. Chính điều này khiến các trò bói toán nở rộ khắp nơi, ngay cả trên mạng xã hội.
Nhìn nhận từ góc độ tâm lý, vị chuyên gia phân tích: Trong cuộc sống, tinh thần mỗi người đều dễ bị tác động bởi những yếu tố tích cực và tiêu cực. Trong thâm tâm, ai cũng mong muốn bản thân sẽ gặp những điều tốt đẹp. Vì vậy, khi biết được sẽ có những chuyện không hay, không tốt "sẽ xảy ra" trong tương lai, tâm lý chung sẽ nghĩ đến việc tìm cách khắc phục.
Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều đối tượng đã tìm cách lợi dụng để trục lợi, làm giàu cho bản thân. Họ đưa ra những chiêu thức khác nhau. Các chiêu thức này mang tính mơ hồ, phỏng đoán, đánh vào sự hoang mang của mỗi người.
Ngoài ra, họ tự cho mình có "khả năng đặc biệt" để người ta tin và nghe theo mình. Từ sự tin tưởng đó dẫn dụ người xem đến các hành vi khác để khắc phục, giải hạn.
"Tuy nhiên, những cách hóa giải mà các 'cô đồng', 'bà cốt' đưa ra không có cách nào là miễn phí. Nếu không có lợi, thì không ai dành thời gian ngồi làm những việc đó cả. Đích đến của họ là kiếm được tài sản có lợi cho mình. Càng nhiều người tin, càng nhiều người tham gia chia sẻ thì các đối tượng này càng có lợi", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh nên những "cô đồng", "bà cốt" tự xưng đã triệt để khai thác thế mạnh công nghệ để đưa ra các phương thức tác động tới người xem, mọi lúc mọi nơi.
Nhiều người thiếu tự tin vào mình sẽ dễ bị tác động bởi các lời bói toán không có cơ sở. Từ đó họ nghe theo, làm theo yêu cầu của "ông đồng", "bà cốt" online.
Chỉ ra chiêu thức dẫn dụ của các đối tượng này, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho hay, các đối tượng có cách che giấu tính vụ lợi rất tinh vi. Đôi khi họ nói mình nhận tiền lễ để làm từ thiện, cũng có khi họ khẳng định bản thân "xem miễn phí", nhưng thực tế thì không miễn phí. Đó chỉ là cách họ dẫn dụ người xem tới những kế hoạch làm ăn lâu dài.
"Có thể mỗi người xem chỉ bỏ ra một số tiền nhỏ nhưng nếu hàng nghìn, hàng triệu người cùng tham gia 'giải hạn' thì số tiền các đối tượng thu về rất lớn vì mạng xã hội là kết nối không giới hạn, bao nhiêu người tham gia cũng được", ông nhấn mạnh.
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo "điều này điều kia" dưới góc độ thần thánh đã tồn tại hàng nghìn năm qua.
"Hiện tượng hầu đồng mấy năm qua cũng có mặt tích cực nhưng cũng có mặt hạn chế như mê tín, dị đoan", ông Đức nói.
Theo chuyên gia văn hóa, chưa có nghiên cứu đầy đủ xác định hành vi hầu đồng là đúng hay sai, mà tùy theo quan niệm của từng người. Tuy nhiên, nếu những người tự xưng là "cô đồng", dùng mạng xã hội để lan truyền, quảng bá hiện tượng mê tín, dị đoan thì cần bị xử lý theo quy định pháp luật.
"Hành động này khiến con người, nhất là thế hệ trẻ, mất niềm tin vào chính mình, mà bấu víu vào một thế lực siêu nhiên nào đó. Thậm chí, mỗi lời nói của 'cô đồng' cũng dễ khiến đẩy con người đến bờ vực bi quan", vị chuyên gia nêu quan điểm.
Khuyến cáo người dân phân biệt tín ngưỡng và mê tín dị đoan
Trong đời sống xã hội hiện nay, yếu tố văn hóa tâm linh đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng song vẫn phải đấu tranh chống lại các hiện tượng lợi dụng mê tín dị đoan.
Để ngăn chặn hiện tượng này, chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, cần tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu những gì thuộc về văn hóa tín ngưỡng, những gì là mê tín dị đoan.
Các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát những đối tượng lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền, hành nghề mê tín dị đoan để xử lý. Đặc biệt, phải nêu ra các phương thức thủ đoạn để cảnh báo người dân.
Vị này nhấn mạnh: "Chúng ta đã có Luật An ninh mạng và nhiều điều luật khác để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực báo chí truyền thông và an ninh trật tự. Tất cả các hành vi mang tính trục lợi, gây mất trật tự an ninh trật tự, mê tín dị đoan thì phải xử lý tùy theo mức độ vi phạm bằng tiền hoặc hành chính, giáo dục tại địa phương...
Nếu các đối tượng hoạt động có tổ chức, gây hậu quả lớn thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự. Công tác điều tra, thu thập chứng cứ sẽ có những khó khăn nhất định nhưng chúng ta vẫn phải rà soát để có những biện pháp kịp thời, ngăn chặn".
Về phía người dân, ông cho rằng, bản thân mỗi người cần tự tin vào chính mình. Mọi việc chúng ta làm, mọi sự nỗ lực của chúng ta không bao giờ bị tác động bởi điều gì mơ hồ hay thế lực vô hình nào cả.
Những điều mà các "cô đồng", "bà cốt" đưa ra là hoàn toàn không có căn cứ, cơ sở nào để tin theo, nhất là khi các đối tượng yêu cầu phải trả phí hoặc đóng góp vật chất thì đó chính là hành vi lợi dụng tâm linh để hành nghề mê tín dị đoan trục lợi.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Quý Đức khuyến cáo người dân nên nâng cao nhận thức, đặt niềm tin và ý chí vào chính mình, đồng thời cảnh giác qua phương tiện thông tin đại chúng chính thống.
Mặt khác, cơ quan quản lý cần xử lý những hiện tượng lợi dụng vỏ bọc tâm linh để trục lợi, truyền bá thông tin "độc hại", sai sự thật.
Hành nghề mê tín dị đoan có thể bị phạt tù
Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật TNHH Hưng Đông nhận định, hành vi xem bói online trên mạng xã hội thông qua việc bổ cau rồi nhận xét "tử vi", là một hình thức mê tín, dị đoan, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo luật sư, trong trường hợp các cơ quan chức năng kết luận "cô đồng" T.H. vi phạm pháp luật, thì sẽ bị xử lý theo điểm đ khoản 7 điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với việc tổ chức hoạt động mê tín dị đoan như sau: "Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan".
Ngoài ra, nếu người đó có hành vi lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan thì có thể bị phạt 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (điểm c khoản 6 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP). Đây được coi là hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại cho biết, nếu những đối tượng xấu lợi dụng "trend" từ câu nói của "cô đồng" T.H. rồi lập tài khoản ảo, lừa đảo, nhằm kêu gọi mọi người xem bói và chuyển tiền, thì sẽ bị quy vào hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý theo quy định Điều 320 BLHS 2015 quy định về Tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:
Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo quy định này, người nào cố ý hành nghề mê tín, dị đoan từ đủ 16 tuổi với đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, sẽ bị xử lý hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn còn thực hiện;
+ Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Làm chết người;
+ Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thì sẽ bị phạt tù tối đa đến 10 năm tù và còn có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng.
"Theo phong tục, tập quán của người Việt Nam đầu năm mọi người hay đi lễ chùa thực hiện các hoạt động lễ hội, tâm linh. Tuy nhiên ranh giới giữa hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và hoạt động mê tín dị đoan nhiều nơi, nhiều lúc bị đánh tráo, lẫn lộn để trục lợi", Luật sư Nguyễn Hữu Toại nói.
Để không rơi vào các bẫy lừa đảo "mê tín dị đoan", luật sư khuyến cáo người dân cần trang bị tri thức, kỹ năng, vốn sống, sự hiểu biết để nhận diện, phân biệt được bản chất thật của sự việc, giữa tín ngưỡng, tâm linh và mê tín dị đoan.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt video của một phụ nữ tự nhận là "cô đồng", vừa ngồi bổ cau vừa nói về "lá số tử vi" của người khác với câu kết "đúng nhận, sai cãi" nhanh chóng trở thành trào lưu thu hút hàng triệu lượt người xem.
Thậm chí, nhiều cư dân mạng còn "chế" lại màn "xem bói online" của người phụ nữ này với các đoạn clip bổ hoa quả và dự đoán về gia thế, công việc, tình duyên của người xem bói.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, người phụ nữ trên sử dụng tài khoản mạng xã hội Tiktok với tên "cô đồng T.H", trú phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Mặc dù hoạt động trên mạng xã hội từ lâu, nhưng gần đây, bà T.H mới được nhiều người biết đến qua những video vừa bổ cau, vừa xem bói đăng tải trên TikTok và Facebook.
Không chỉ xem số mệnh, dự đoán về công việc, tình duyên, người phụ nữ còn nói về gia thế, thậm chí chỉ đích danh họ tên các thành viên trong gia đình của người hỏi.