Thoái hóa khớp
Theo PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bệnh thoái hóa khớp xảy ra ở nữ giới cao gấp 1,8 lần so với nam giới. Trong đó, khớp gối, khớp háng và cột sống là những vị trí dễ bị thoái hóa nhất.
Thoái hóa khớp phát triển nhanh ở phụ nữ sau 45 tuổi, chủ yếu do sự suy giảm nồng độ estrogen. Sự thiếu hụt hormone này khiến bề mặt sụn khớp mất tính đàn hồi và xương dưới sụn mỏng dần, làm suy yếu cấu trúc tổng thể của khớp xương.
Ngoài ra, các thói quen như mang giày cao gót thường xuyên, hay khom lưng, ngồi xổm, quỳ gối khi làm việc nhà, mang thai... theo thời gian sẽ tạo áp lực lên xương khớp. Áp lực quá mức khiến ma sát giữa các đầu xương tăng cao, khiến thoái hóa khớp thêm trầm trọng.
Viêm khớp
Ở nhóm viêm khớp, căn bệnh ảnh hưởng nhiều nhất đến nữ giới là viêm khớp dạng thấp (RA). Đáng chú ý, phụ nữ có nguy cơ mắc RA cao gấp 2-3 lần so với nam giới, phổ biến ở tuổi 30-60.
Dù nguyên nhân khiến chị em dễ mắc viêm khớp dạng thấp chưa được xác định cụ thể, nhưng theo các chuyên gia, căn bệnh này có liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố. Thay đổi nội tiết kết hợp với các yếu tố như di truyền, môi trường, lối sống... làm rối loạn chức năng hệ miễn dịch, gây viêm màng hoạt dịch, khởi phát cơn đau và cứng khớp - là cơ chế sinh bệnh viêm khớp dạng thấp.
Ngoài viêm khớp dạng thấp, nữ giới còn có nguy cơ bị viêm khớp cùng chậu khá cao, nhất là chị em sau sinh. Những biến đổi về nồng độ hormone trong quá trình mang thai khiến hệ thống cơ và dây chằng hỗ trợ xương chậu bị giãn ra, cộng thêm sự chèn ép của thai nhi lên khớp cùng chậu khiến cho vị trí này dễ bị hao mòn và sinh viêm.
Lupus ban đỏ hệ thống
Cũng như viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là một dạng bệnh tự miễn do rối loạn hệ miễn dịch. Các triệu chứng thường gặp của Lupus ban đỏ bao gồm: đau và sưng khớp, mệt mỏi, rụng tóc, sốt không rõ nguyên nhân, phát ban da và các vấn đề về thận...
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-44 tuổi) có nguy cơ mắc Lupus ban đỏ hệ thống cao nhất. Ở mọi độ tuổi, tỷ lệ nữ giới bị SLE đều cao hơn nam giới (ước tính cứ 1 người nam giới thì có tới 4-12 phụ nữ bị SLE).
Loãng xương
Loãng xương cũng là bệnh xương khớp rất thường gặp ở phụ nữ, nhất là những người trên 50 tuổi. Trong số 10 triệu người Mỹ bị loãng xương, có hơn 8 triệu (chiếm 80%) là phụ nữ.
Phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao là bởi sự sụt giảm nội tiết tố estrogen. Hormone này có tác dụng tăng hoạt động của tế bào tạo xương, đồng thời kiểm soát hoạt động tế bào hủy xương, giúp mật độ xương ổn định. Do đó, khi estrogen bị thiếu hụt, nhất là ở phụ nữ đến giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, mô xương mới được tạo ra sẽ không bù đắp kịp quá trình hủy xương, làm giảm mật động xương và dần dần gây ra loãng xương.
Để phòng bệnh xương khớp, sống vui khỏe và chủ động, bác sĩ Đặng Hồng Hoa khuyên chị em nên xây dựng chế độ ăn khoa học, tăng cường nhóm thực phẩm tốt cho xương khớp như cá hồi, cá thu, cá trích, rau củ, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên cám và các loại hạt. Song song, cần chủ động bổ sung các dưỡng chất chuyên biệt cho sụn khớp, có khả năng ức chế viêm, giảm đau, tái tạo sụn khớp, tăng cường mật độ xương như Eggshell Membrane, Collagen Type 2 không biến tính, Collagen Peptide, Turmeric Root, Chondroitin Sulfate....
Ngoài ra, nữ giới cũng nên tập luyện thể dục thể thao đều đặn bằng các bộ môn phù hợp như đạp xe, aerobic, bơi, yoga, chạy bộ... Hoạt động thể chất giúp cải thiện nội tiết tố, tăng sức mạnh cơ bắp và xương, bôi trơn sụn khớp, cải thiện chức năng vận động.
Hường Nguyễn