Tình trạng thừa cân có thể gây ra các bệnh thông thường như tiểu đường, tim mạch, làm gia tăng nguy cơ ung thư nói chung. Gần đây, các nhà nghiên cứu Đại học Bristol phát hiện người bị thừa cân có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư dạ con hoặc nội mạc tử cung. Không chỉ vậy, tăng cân quá mức còn ảnh hưởng đến xương khớp, đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Dù ý thức được tác hại của tình trạng thừa cân, nhiều người không đủ động lực để giải quyết vấn đề đó. Công thức giảm cân thường đơn giản: ăn thực phẩm lành mạnh, không ăn quá nhiều và tập thể dục thường xuyên.
Tuy nhiên, trên thực tế, con người ăn uống vô độ không phải vì cơ thể cần nạp thêm calo, mà để thỏa mãn cảm giác thèm ăn về mặt tâm lý, tìm lại sự thoải mái khi ăn đồ ngọt. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm không lành mạnh như bánh ngọt, phô mai, đồ ăn vặt.
Theo một số chuyên gia, bí quyết là "đánh lừa tâm trí" để ăn ít hơn, nhưng vẫn cảm thấy no. Một trong những cách hiệu quả để đánh lừa bản thân là sử dụng bát, đĩa nhỏ hơn. Theo các chuyên gia, giảm một nửa kích thước đĩa có thể giảm trung bình 30% lượng thức ăn tiêu thụ.
Theo khuyến nghị giảm cân của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), dùng bát địa nhỏ trong thời gian đủ dài có thể giúp một người dần quen với khẩu phần ăn ít mà không bị đói. Hướng dẫn nêu rõ: "Mất khoảng 20 phút để dạ dày báo cho não biết là nó đã no, vì vậy hãy ăn chậm và ngừng ăn trước khi cảm thấy no".
Theo Betina Piqueras-Fiszman và Charles Spence, đồng tác giả của The Perfect Meal: The Multisensory Science of Food and Dining, sử dụng bát nặng cũng khiến giảm lượng thực phẩm ăn hàng ngày. Giảm tương phản màu sắc của các đồ sành sứ và khăn trải bàn ở nhà, sử dụng dao kéo nhỏ hơn và uống nước từ ly cao, thẳng thay vì bình cong, rộng đều là cách để ăn ít hơn.
Trong một nghiên cứu, Oliver Genschow và các đồng nghiệp tại Đại học Basel Mannheim cho tình nguyện viên ăn nhẹ trên đĩa màu đỏ, trắng hoặc xanh lam và đồ uống trong cốc màu đỏ, xanh lam. Người sử dụng đồ đỏ tiêu thụ ít thức ăn hơn. Lý do là bởi màu đỏ khiến não bộ con người liên tưởng đến các tín hiệu nguy hiểm, cần dừng lại.
"Chúng ta phản ứng với các sự việc bằng kiến thức và kinh nghiệm từ quá khứ. Nếu muốn thay đổi lượng thức ăn, bạn không nên ăn ở cùng một chỗ mỗi ngày. Hãy ngồi ở những vị trí khác nhau trên bàn ăn", Linda Blair nói.
Cô cũng gợi ý bày biện đồ ăn trông thật đẹp mắt, chẳng hạn đặt hoa trên bàn hoặc sử dụng khăn ăn đẹp, điều này gửi đến bộ não thông điệp "bạn xứng đáng được đối xử tử tế, xứng đáng có cơ thể khỏe mạnh".
"Nếu không gian xung quanh thật đẹp đẽ, bạn sẽ không gọi món khoai tây chiên, bạn gọi cá nướng vì món đó thật sang trọng. Đây chính là cách bạn tận dụng thói quen và tín hiệu cơ thể, thay vì phụ thuộc vào chúng. Bạn đang đánh lừa bản thân, nhưng nó rất tích cực", Blair nói.
Chuyên gia dinh dưỡng Rob Hobson khuyến nghị thực hành ăn trong chánh niệm. Đây không phải chế độ ăn kiêng, mà tập trung vào những trải nghiệm khi ăn. Người tập ăn trong chánh niệm, sử dụng tâm trí để xem xét, đánh giá những tác động xung quanh đến việc ăn uống.
Khái niệm này có nguồn gốc từ giáo lý Phật giáo. Giống với các hình thức thiền định như ngồi, thở, đi đứng, nhiều thiền sư khuyến khích người ăn chú ý đến cảm giác khi ăn.
Thục Linh (Theo Telegraph)