"Ngày đầu bước chân xuống Hà Nội làm công nhân, em đã mong được đến thăm Lăng Bác vào đúng ngày mùng 2 tháng 9. Giờ con em 8 tuổi, em đưa con đến đây và kể cho con nghe về ngày mùng 2 tháng 9".
Truyền cho con tình yêu quê hương theo cách riêng
Câu chuyện với Nguyễn Thị Lan, công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Hà Nội) bắt đầu bằng thời tiết đang mang theo sự mát mẻ nhưng vẫn có lúc oi, nắng rất đặc trưng của mùa thu Hà Nội. Quê Lan ở Cao Bằng. Học hết cấp 3, Lan ở nhà hai năm tìm việc nhưng không có việc phù hợp, chính xác hơn là tiền kiếm được từ những công việc đó quá ít nên Lan quyết định xuôi Hà Nội làm công nhân. Lan kể ngày đầu xuống Hà Nội là vào giữa tháng Tám. Khi ấy Cao Bằng quê Lan không còn nắng nóng nữa, Hà Nội thì có lúc nóng, có lúc lại mát mẻ. Thời tiết thay đổi cộng với việc đi tìm nhà trọ và tìm việc nên Lan ốm mất mấy ngày.
Nộp xong hồ sơ xin làm công nhân cho một công ty may xong, việc đầu tiên Lan làm đến thăm Lăng Bác. Quê hương Lan có rất nhiều di tích lịch sử. Những bài học lịch sử gắn liền với quê hương Cao Bằng trên ghế nhà trường phổ thông đã giúp Lan thêm yêu quê hương. Và, điều Lan mong muốn nhất là thăm Lăng Bác thì chưa bao giờ thực hiện được cho đến thời điểm đó. Lan hỏi những người cùng xóm trọ đường và cách đi đến Lăng Bác. Lan vẫn nhớ, vì mới xuôi Hà Nội, chưa biết gì về đường xá nên hôm đấy Lan xuống xe buýt ở bến đối diện Gò Đống Đa (bến xe buýt trước cổng trường Đại học Công đoàn) rồi đi bộ từ đấy, vừa đi vừa hỏi đường đến Lăng Bác...
Giờ thì Lan biết nhiều về đường Hà Nội rồi, biết cách bắt các tuyến xe buýt từ chỗ trọ ra bến xe Yên Nghĩa để đi xe buýt tuyến 02 đến Văn Miếu thì xuống, đi bộ đến Lăng Bác. Lan cũng đã lập gia đình, chồng cũng là công nhân, có một con trai 8 tuổi. Vì gia đình cả 2 đều ở xa nên dù công việc làm ca, thu nhập không cao nhưng vợ chồng Lan cố gắng để con ở Hà Nội. Mỗi khi rảnh rỗi, Lan lại vào mạng tìm những bài viết hay về quê hương Cao Bằng đọc cho con nghe. Trong đấy có một câu chuyện Lan kể khá nhiều lần cho con trai nghe. Đó là câu chuyện về ngày mùng 2 tháng 9 - ngày Tết Độc lập của dân tộc. Trong câu chuyện, Lan nhắc lại cả những gì đã được học trước đây, về ngày 2.9.1945 ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) Bác Hồ đã đọc tuyên ngôn Độc lập. Lan bảo với con: Con rất may mắn vì quê ở Cao Bằng - nơi có hang Pác Bó mà Bác Hồ từng làm việc...
Nghe câu chuyện của Lan, không khỏi ngạc nhiên vì mong muốn và vì các cách Lan truyền tình cảm yêu quê hương cho con trai. Lan bảo: “Vợ chồng em vất vả xa quê, về Hà Nội làm việc cũng chỉ để lo cho tương lai của con, mà muốn con nên người thì phải dạy con tình cảm yêu thương nhân loại, yêu mến quê hương”. Để tình yêu quê hương thực sự ở trong tim của con, vợ chồng Lan không ít lần đưa con đến Lăng Bác vào lúc 21 giờ để con chứng kiến lễ hạ cờ. Lan kể, lần đầu đưa con đến đấy là vào thứ Bảy - dịp cả 2 vợ chồng được nghỉ làm. Cậu con trai nghe nói được đi Lăng Bác, xem lễ hạ cờ thì háo hức từ hôm trước. Chiều hôm ấy cả nhà ra Hà Nội từ sớm vì sợ nhỡ không bắt được xe buýt thì lỡ mất thời gian làm lễ hạ cờ.
“Đứng ở Quảng trường Ba Đình, vào giờ phút ấy, em rất xúc động. Con trai em cũng đứng nghiêm xem các chú duyệt binh, xem hạ cờ. Em chỉ cho cháu cả chỗ duyệt binh năm xưa theo trí tưởng tượng của em khi nghe cô giáo giảng về buổi lễ ấy” - Lan chia sẻ...
Lan chỉ tiếc chưa bao giờ cả nhà được đến thăm Lăng Bác vào đúng ngày mùng 2 tháng 9. Vì năm nào dù được nghỉ ít hay nhiều thì cả nhà cũng tranh thủ về quê thăm nội, ngoại. Lan bảo: “Việc này nhất định em phải làm được cho con và em coi đó là phần thưởng cho năm học nào cháu đạt học sinh giỏi”. Hỏi Lan: Cả nhà xem lễ hạ cờ nhiều lần rồi, sao không một lần đi xem lễ thượng cờ? Lan chia sẻ: Có một hôm đi xem lễ hạ cờ, nói chuyện với các ông bà cùng đứng xem em mới biết lễ thượng cờ diễn ra vào 6 giờ sáng hàng ngày. Cả nhà em muốn đi xem nhưng giờ đấy ngày thường thì vợ chồng phải đi làm, con phải đi học. Cuối tuần thì có nhiều hôm làm ca cũng không thể thích hợp để đi. Nhưng chắc có một ngày nào đấy cả nhà em sẽ đến đây đúng vào 6 giờ sáng".
Tự đọc thêm sách để kèm con học
Công nhân lao động không có nhiều thời gian để giải trí. Điều này có phần đúng, nhưng chưa hẳn đã đủ. Nhiều gia đình, bố và mẹ đều là công nhân nhưng vẫn tranh thủ sau giờ làm vào Internet tìm kiếm kiến thức để dạy con. Có những công nhân vẫn tranh thủ đọc sách online chứ không chỉ đọc tin tức trên mạng xã hội.
Minh Tuấn, công nhân đang ở trọ gần Khu công nghiệp Quang Minh là một trong số đó. Vợ con ở Nghệ An, một mình Tuấn ra Hà Nội làm công nhân. Hết giờ làm, Tuấn thường lên mạng tìm sách đọc để có thêm kiến thức còn kèm cô con gái chuẩn bị vào lớp 5 học online. Con gái Tuấn rất hay hỏi, mà nhiều câu rất khó, nếu không chịu khó đọc sách thì chắc không thể trả lời được. Ví dụ, có lần con gái hỏi: “Ở Hà Nội, tại sao lại gọi là Gò Đống Đa”.
Tuấn đành khất con hôm sau sẽ trả lời để có thời gian tìm kiếm thông tin. Tuấn tâm sự: Chỉ vì cần dạy cho con, mà con em lại thích môn Lịch sử nên em lên mạng tìm đọc, dần dần em cũng thích tìm hiểu lịch sử Việt Nam. Giờ, ngoài những nội dung cần dạy con, em còn tìm đọc thêm về lịch sử thế giới.
Trong gia đình, bố mẹ nào cũng mong con cái khôn lớn, hiếu thảo, học giỏi. Để làm được điều đó, thường thì bố mẹ phải kèm cặp con hàng ngày. Tuy nhiên vì mưu sinh, nhiều gia đình công nhân phải gửi con lại cho ông bà để đi làm kiếm tiền. Dịp lễ Tết mới về thăm gia đình, thăm con được. Con lên Hà Nội ở trọ cùng bố mẹ thì thời gian cũng hiếm vì bố mẹ thay nhau đi làm ca. Chính vì vậy, việc khơi dậy tinh thần yêu học tập của các con là rất quan trọng. Những cách làm như của chị Lan và anh Tuấn chưa nhiều vì có một số điều kiện cả khách quan, lẫn chủ quan. Nhưng đó cũng là một điểm sáng dành cho thế hệ con của những công nhân lao động trực tiếp.